Viêm họng là một bệnh hay gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh rất lo lắng khi một số trẻ vừa khỏi sốt, hết đau họng 2 – 3 ngày thì 2 – 3 tuần sau lại xuất hiện sốt, ho, đau họng và chảy mũi trở lại.
Để giải quyết và chăm sóc trẻ khi trẻ hay bị viêm họng cần xác định đúng nguyên nhân và yếu tố dẫn đến việc trẻ bị bệnh. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trẻ hay bị viêm họng?
Đầu tiên, có thể do điều trị chưa dứt hẳn đợt viêm mũi họng cấp cho trẻ. Đây là lý do khiến bệnh của trẻ hay tái phát trở lại đồng thời làm cho bệnh dễ trở thành mạn tính hoặc gây ra các biến chứng của viêm mũi họng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản …
Thứ hai là do quá nhiều chủng virus gây bệnh viêm họng. Theo nghiên cứu, có đến 200 loại chủng virus, vi khuẩn khác nhau gây bệnh viêm mũi họng ở trẻ. Do đó, trẻ có thể vừa mắc loại virus này lại nhiễm tiếp loại virus khác trong lúc cơ thể đang suy giảm miễn dịch sau đợt nhiễm bệnh trước.
Thứ ba là do yếu tố dị ứng. Người ta nhận thấy một số trẻ bị viêm mũi họng nhiều lần thường hay kèm yếu tố dị ứng, bệnh này có tính chất gia đình. Một số điều kiện thuận lợi gây viêm họng như sự thay đổi của khí hậu, những trẻ sống ở mỗi trường ô nhiễm, nơi có hoặc gần các khu công nghiệp.
Thứ tư là do lây nhiễm. Bệnh nhi sống và sinh hoạt trong gia định đang bị dịch viêm mũi họng tấn công làm bệnh lây chéo từ người nay sang người khác. Theo thói quen, khi trong gia đình có người bị ốm, mọi người thường đóng kín cửa để tránh gió cho người bệnh, điều này làm cho vi khuẩn tồn tại trong nhà và lây nhiễm cho người khác dễ dàng hơn. Trong khi đó, trẻ so với người lớn có sức miễn dịch thấp hơn nên sẽ dễ trở thành đối tượng bị lây nhiễm và hay bị viêm họng trở lại.
Thứ năm là do thói quen xấu của bố mẹ. Qua điều tra người ta nhận thấy 80% số trẻ hay bị tái diễn các đợt viêm mũi họng thường ra ngoài trời sau 20 giờ hoặc bố mẹ cho đi đến những chỗ đông người, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
Mẹ cần làm gì khi trẻ hay bị viêm họng?
Khi bé bị viêm họng cấp, bạn nên giữ ấm cho bé, đặc biệt các bộ phận cổ, ngực, gan bàn chân. Khi thời tiết chuyển lạnh cần ủ ấm cho trẻ nhỏ, tăng cường bổ sung các vitamin, thực phẩm tăng cường đề kháng. Lúc trẻ sốt cao cần kịp thời hạ sốt. Không lạm dụng thuốc kháng sinh.
Có thể sử dụng vài biện pháp dân gian chữa bệnh viêm họng cho trẻ như lá húng chanh, lá hẹ, lá xương sông, cải cúc, tía tô, tỏi, rau diếp cá. Ngoài ra, có thể sử dụng gừng và mật ong, xoa dầu mù tạt, dầu khuynh diệp, dầu bạc hà và cho trẻ uống nước ấm hoặc thêm vài giọt nước cốt chanh vào mật ong và bôi lên lưỡi trẻ.
Do nguyên nhân tái phát có thể do điều trị chưa dứt điểm. Vậy làm thế nào để đánh giá là khỏi dứt điểm đợt viêm họng ở trẻ, quyết định dừng thuốc cho đúng lúc và hợp lý, tránh hiện tượng kháng thuốc của virus hoặc vi khuẩn lây bệnh. Các tốt nhất là bố mẹ cho trẻ đến khám lại đúng hẹn của bác sĩ đã khám và kê đơn điều trị để bác sĩ đánh giá xem tình trạng thực tế của mũi họng. Nếu nhà bạn xa cơ sở y tế, khó có khả năng thực hiện việc tái khám cho bé, bạn nên theo dõi chặt chẽ bé và chỉ nên dừng thuốc sau khi dứt các triệu chứng ít nhất 2 ngày như hết sốt, hết ho, hết sổ mũi, đau tai, đau họng …
Nếu trẻ bị viêm họng tái diễn do nguyên nhân bị nhiễm chúng virus gây viêm họng khác, bạn có thể cho trẻ sử dụng vaccine ngăn ngừa chủng vi khuẩn hoặc virus theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thay đổi môi trường sống gây hại ô nhiễm và thay đổi các thói quen xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khi trong nhà có người bị viêm mũi họng, cần có biện pháp cách ly, nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ.
Nguồn: TH